Đại biểu Quốc hội cho rằng cần tính toán thận trọng, kỹ lưỡng khi xây dựng Nghị quyết thí điểm làm dự án nhà ở thương mại trên đất khác; nóng chuyện giá đất tính thuế TNCN tại Hà Nội, hé mở năng lực Đông Tây Group,… là một số tin tức bất động sản nổi bật tuần qua.
Tránh đầu cơ, trục lợi khi thí điểm làm nhà ở thương mại trên đất khác
Cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại trên đất khác, các đại biểu Quốc hội đề nghị phải có giải pháp ngăn chặn tiêu cực, đầu cơ, trục lợi chính sách hoặc để đất hoang hóa, đầu cơ vượt nhu cầu làm ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, gây hệ lụy cho nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô.
Sáng 21/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, các đại biểu nhất trí cần thiết ban hành Nghị quyết thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất để thể chế hóa chủ trương của Đảng, tăng thêm điều kiện tiếp cận đất đai cho phát triển nhà ở thương mại, góp phần phát triển kinh tế xã hội, tăng nguồn cung nhà ở, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, các đại biểu đã cho ý kiến về tên gọi, nội dung, bố cục, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, điều kiện áp dụng, tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm, đất và dự án nhà ở thương mại bán cho cán bộ, chiến sĩ của lực lượng vũ trang. Các đại biểu cũng đề nghị lưu ý đảm bảo diện tích đất trồng lúa, tỷ lệ che phủ rừng, có giải pháp ngăn chặn tiêu cực, đầu cơ, trục lợi chính sách hoặc để đất hoang hóa, đầu cơ vượt nhu cầu làm ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, gây hệ lụy cho nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô.
ĐBQH: Có những doanh nghiệp đang thu gom đất và mong chờ thực hiện thí điểm làm nhà ở thương mại trên đất nông nghiệp, phi nông nghiệp
Phát biểu của ông Nguyễn Công Long – Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 21/11, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Tiếp tục nội dung Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 21/11, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Thảo luận về nội dung này, các đại biểu đồng tình với sự cần thiết ban hành Nghị quyết về thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất. Song, nhiều đại biểu đề nghị cần quy định chặt chẽ, tránh để xảy ra tình trạng thu gom đất lúa tự phát làm nhà ở thương mại, ảnh hưởng tới an ninh lương thực.
Dẫn chứng ví dụ điển hình là vụ án địa ốc Alibaba, ông Nguyễn Công Long, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh không được để việc cho phép thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất làm tái diễn tình trạng thu gom đất nông nghiệp như nhiều năm trước. Bởi theo đại biểu, có những doanh nghiệp rất khôn khéo đang đi thu gom rất nhiều đất và mong chờ thực hiện thí điểm này.
Đại biểu Quốc hội: Không có chuyện lấy đất lúa, đất nông nghiệp một cách đại trà, tràn lan để làm nhà ở thương mại
Đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai bày tỏ, việc thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất chỉ áp dụng với khu vực đô thị, không lấy đất lúa, đất nông nghiệp một cách đại trà, tràn lan.
Sáng 21/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Tham gia ý kiến tại phiên họp, đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai bày tỏ sự ủng hộ với dự thảo nghị quyết với đủ các cơ sở chính trị, pháp lý như tờ trình và báo cáo thẩm tra. Việc Quốc hội ban hành thêm nghị quyết này sẽ là cơ sở khơi thông nguồn lực, tăng thêm nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế – xã hội.
Về phạm vi thí điểm, đại biểu đồng tình với việc thực hiện thí điểm trên phạm vi toàn quốc nhưng không phải mang tính chất đại trà, chung chung. Đại biểu đánh giá cao việc thiết kế tại nghị quyết cho thí điểm trên phạm vi toàn quốc nhưng đối với các dự án nào, tiêu chí nào. Trong đó với những quy định trong dự thảo nghị quyết sẽ chắc chắn chỉ áp dụng với khu vực đô thị, không có chuyện lấy đất lúa, đất nông nghiệp một cách đại trà, tràn lan để thực hiện nghị quyết. Đây là cách thiết kế khá hợp lý để thực hiện.
Chưa có Bảng giá đất mới, Hà Nội xác định nghĩa vụ tài chính thuế thu nhập cá nhân như thế nào?
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông vừa ký Văn bản số 3845/UBND-KTTH về việc xác định nghĩa vụ tài chính thuế thu nhập cá nhân và các khoản thu từ đất theo quy định của Luật Đất đai 2024 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Công văn nêu rõ, để giải quyết hồ sơ nghĩa vụ tài chính, thuế về đất đai theo quy định tại Khoản 1 Điều 159 Luật Đất đai 2024 được kịp thời, thống nhất, trong thời gian UBND thành phố chưa ban hành quyết định điều chỉnh bảng giá đất quy định tại Khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai 2024, UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương rà soát, tham mưu UBND thành phố ban hành quyết định điều chỉnh bảng giá đất theo quy định tại Khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai 2024.
Chấp thuận nguyên tắc xác định giá đất làm căn cứ giải quyết hồ sơ nghĩa vụ tài chính, thuế về đất đai theo quy định tại Khoản 1 Điều 159 Luật Đất đai 2024 là: Giá đất tại bảng giá đất ban hành kèm theo quyết định 30 ban hành ngày 31/12/2019; Quyết định số 20 ban hành ngày 7/9/2023 sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh quyết định số 30 nhân với hệ số điều chỉnh giá đất quy định tại quyết định số 45 (Đối với tiền thuê đất); Quyết định số 46 (Đối với tiền sử dụng đất và thuế thu nhập cá nhân) ngày 18/7/2024 của UBND Thành phố.
Nhận diện tiềm lực Đông Tây Group của ông Nguyễn Thái Bình, một “thế lực” mới trên thị trường bất động sản
Xuất phát điểm là một doanh nghiệp môi giới bất động sản, Đông Tây Group của ông Nguyễn Thái Bình đã từng bước trở thành một “thế lực” mới trên thị trường bất động sản.
Ra đời vào năm 2013, đến nay, Đông Tây Group từ một đơn vị chuyên phân phối bất động sản đã từng bước trở thành nhà phát triển bất động sản với dự án Le Palmier Hồ Tràm (khu du lịch Kim Sa).
Theo thông tin do doanh nghiệp tự giới thiệu, Đông Tây Group bao gồm 5 công ty thành viên đảm trách các lĩnh vực chủ chốt, gồm: Đông Tây Land – đơn vị phân phối dự án; Đông Tây Holding – đơn vị đầu tư và phát triển dự án; Đông Tây Hospitality – đơn vị quản lý vận hành dự án; Đông Tây Homes – đơn vị tư vấn thiết kế kiến trúc và Đông Tây Property.
Là người sáng lập và lãnh đạo của nhiều pháp nhân trong hệ sinh thái Đông Tây Group, thời gian qua, ông Bình đã dùng nhiều tài sản, quyền tài sản là các hợp đồng mua bán bất động sản cũng như vốn góp tại chính các doanh nghiệp của mình để thế chấp cho ngân hàng.
Bên cạnh đó, là pháp nhân “lõi” của Đông Tây Group, đến nay, Đông Tây Land hiện đang thực hiện nhiều hoạt động tín dụng với hàng loạt tài sản được đem thế chấp.
Theo Nhịp sống Thị trường
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm :
Thông tin được cung cấp chỉ mang tính chất thông tin chung, CafeL.xyz không đưa ra bất kỳ tuyên bố hoặc bảo đảm nào liên quan đến thông tin, bao gồm nhưng không giới hạn bất kỳ sự tuyên bố hoặc bảo đảm về tính thích hợp cho bất kỳ mục đích cụ thể nào của thông tin theo phạm vi cho phép tối đa của pháp luật. CafeL.xyz chỉ cung cấp thông tin này như một kênh tham khảo thêm dành cho các độc giả!