Hợp đồng chưa đúng về hình thức nhưng bà D đã cất nhà ở 23 năm, theo hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao thì thuộc trường hợp được công nhận.
TAND Tp. Cần Thơ vừa đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là bà D và bị đơn là vợ chồng ông L.
Theo đơn khởi kiện năm 2019, bổ sung năm 2021, nguyên đơn trình bày, năm 2000, bà xây dựng căn nhà với diện tích hơn 34 m2 trên phần đất của vợ chồng bị đơn. Đến năm 2006, vợ chồng bị đơn lập hợp đồng chuyển nhượng cho nguyên đơn phần đất đã cất nhà với diện tích hơn 34 m2 với giá 24 triệu. Sau đó, nguyên đơn nhiều lần yêu cầu bị đơn tách thửa nhưng không được.
Đến năm 2008, bị đơn tặng cho toàn bộ quyền sử dụng đất cho con, bao gồm cả phần đất nguyên đơn đã nhận chuyển nhượng. Vì vậy nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn phải thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất cho nguyên đơn theo kết quả đo đạc thực tế là hơn 48 m2.
Bị đơn thừa nhận có lập tờ chuyển nhượng cho nguyên đơn 34 m2 đất như nguyên đơn trình bày nhưng nguyên đơn chưa trả chi phí. Sau đó nguyên đơn đòi được trả bằng giá đất theo giá nhà nước nên bị đơn không đồng ý và yêu cầu nguyên đơn tháo dỡ vật kiến trúc trả lại đất cho bị đơn.
Tại tòa, đại diện nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện. Người đại diện cho rằng tuy hợp đồng chuyển nhượng chưa tuân thủ đúng quy định pháp luật nhưng phía nguyên đơn đã cất nhà ở từ năm 2000 và theo đo đạc thực tế là hơn 48 m2 nên đề nghị công nhận quyền sử dụng đất cho nguyên đơn. Theo người đại diện, do trước đây khi nhận chuyển nhượng, trong tờ chuyển nhượng có ghi số tiền đã giao dịch là 24 triệu cho 34 m2, còn chênh lệch 14 m2 thì nguyên đơn sẽ trả giá trị thêm cho bị đơn theo định giá.
Bị đơn lúc đầu chỉ đồng ý bán cho nguyên đơn như diện tích ghi trong giấy chuyển nhượng nhưng sau đó đồng ý chuyển nhượng 40 m2 để đủ điều kiện tách thửa theo quy định. Đồng thời ông xác định nguyên đơn chưa trả tiền đất nên yêu cầu nguyên đơn trả giá trị đất theo giá thị trường.
Sau khi xét xử, HĐXX nhận định, tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất lập năm 2006 không có công chứng, chứng thực theo quy định là chưa hợp lệ về mặt hình thức theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, thực tế nguyên đơn đã cất nhà ở từ năm 2000, đến nay là 23 năm. Căn cứ theo hướng dẫn tại Nghị quyết 02/2004 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao (hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình), trường hợp này giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất được công nhận.
Cũng theo tòa, tại bản tự khai, nguyên đơn thừa nhận chưa thanh toán số tiền 24 triệu nhận chuyển nhượng 34 m2. Do đó, nguyên đơn phải thanh toán giá trị đất theo chứng thư thẩm định giá mới nhất là hơn 33 triệu/m2, tổng diện tích hơn 48 m2, tổng số tiền là hơn 1,6 tỉ.
Từ đó, tòa quyết định, chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn và bị đơn. Nguyên đơn được sử dụng hơn 48 m2 thuộc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của phía bị đơn. Phía nguyên đơn có trách nhiệm thanh toán hơn 1,6 tỉ cho bị đơn.
Phía nguyên đơn được quyền liên hệ cơ quan chức năng để cấp giấy chứng nhận theo quy định. Ngoài ra, tòa cũng kiến nghị UBND quận Ninh Kiều thu hồi giấy đất của phía bị đơn để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng hơn 48 m2 cho nguyên đơn khi có yêu cầu.
Theo PLO