Hiện nay, nhu cầu xem các thông tin, dữ liệu đất đai của người dân là vô cùng lớn, đặc biệt là các thông tin, dữ liệu liên quan đến quyền sở hữu, quy hoạch…
Căn cứ Điều 59 Nghị định 101/2024/NĐ-CP quy định các hình thức khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu đất đai như sau:
- Khai thác trực tuyến trên Cổng thông tin đất đai Quốc gia, Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Cổng dịch vụ công của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cổng dịch vụ công cấp tỉnh, qua dịch vụ tin nhắn SMS, qua dịch vụ web service và API; khai thác qua các tiện ích, ứng dụng tạo ra sản phẩm, giá trị gia tăng từ cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai theo quy định.
- Khai thác trực tiếp tại trụ sở cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai hoặc Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
- Khai thác qua các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, năm 2025, người dân có thể xem thông tin, dữ liệu đất đai bằng 3 cách:
Cách 1: Khai thác trực tuyến
Tới đây, khi Hệ thống thông tin Quốc gia về đất đai hoàn thiện (dự kiến trong năm 2025), người dân có thể xem thông tin, dữ liệu đất đai online thông qua các Cổng:
- Cổng thông tin đất đai Quốc gia.
- Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
- Cổng dịch vụ công của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
- Cổng dịch vụ công cấp tỉnh.
- Cổng dịch vụ nhắn tin SMS, web service và API.
- Các tiện ích, ứng dụng từ cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.
Cách 2: Khai thác trực tiếp
Người dân có thể tới trực tiếp trụ sở các cơ quan thực hiện cung cấp dữ liệu đất đai hoặc Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính để xem thông tin, dữ liệu.
Theo đó, tùy vào thông tin, dữ liệu mà người dân có thể lựa chọn cơ quan thực hiện cung cấp dữ liệu đất đai. Hiện nay, người dân có thể qua Văn phòng/chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai, UBND cấp xã/phường, Văn phòng công chứng… để check thông tin quy hoạch, thông tin ngăn chặn giao dịch…
Cách 3. Thông qua các hình thức khác theo quy định
Theo Báo Lao động